MẠN ĐÀM VỀ VĂN HÓA TRUNG QUỐC
Nền văn minh ở Trung Quốc là nền văn minh duy nhất không bị gián đoạn trong lịch sử loài người.
“Trung Quốc là một nền văn minh dưới dạng một quốc gia”
- Lucian Pye, nhà khoa học chính trị
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hay ta thường gọi là Trung Quốc, gồm 5 múi giờ tương ứng với diện tích lớn thứ 3 trên thế giới. Trong không gian rộng lớn ấy, có 1,4 tỷ người đa dạng về sắc tộc sinh sống (56 dân tộc), nói hàng chục thứ ngôn ngữ khác nhau. Dù Trung Quốc có thể có 5 múi giờ về mặt địa lý, nhưng lại chỉ có một giờ chính thức. Khi bạn hỏi “Mấy giờ rồi?”, câu trả lời sẽ là “Bắc Kinh nói mấy giờ thì là mấy!”.
Đây không chỉ đơn giản là một câu chuyện vô thưởng vô phạt mà nó còn bao hàm cả những nỗ lực, đồng thời cũng là xu hướng chung của quốc gia này từ bao đời này: thống nhất những sự đa dạng với quy tắc trọng tâm. Và vẫn với quy tắc như vậy, Trung Quốc đã gìn giữ được những giá trị văn hóa mà họ tự hào gọi là “nền văn minh Trung Hoa”.
Nền văn minh ở Trung Quốc là nền văn minh duy nhất không bị gián đoạn trong lịch sử loài người. Trong quá trình phát triển lâu dài của lịch sử, nền văn minh Trung Hoa đã hình thành những đặc điểm chủ yếu sau:
Thứ nhất, nền văn minh Trung Hoa là nền văn minh phát triển không ngừng và trải qua những giai đoạn rõ rệt. Khi một giai đoạn nhất định suy tàn, nó sẽ thay đổi và sẽ tiếp tục sinh trưởng phát triển. Vòng lặp như vậy đã làm cho sức sống của nền văn minh Trung Hoa trở nên vô tận và tiếp tục cho đến ngày nay.
Thứ hai, nền văn minh Trung Hoa chưa bao giờ bị gián đoạn, chủ yếu là nhờ vào sự tích lũy văn minh không ngừng. Sự tích lũy này được thể hiện ở hai khía cạnh: số lượng lớn các tài liệu di chép và sự bảo tồn vô số hiện vật vật chất, bao gồm các di vật, di tích,...
Sử học ở Trung Quốc phát triển rất sớm và Trung Quốc có một kho tàng sử sách rất phong phú. Đáng chú ý, kho tàng ấy vẫn luôn được quốc gia này cất trong những chiếc hộp vàng và gìn giữ đến hơn 4000 năm sau - một điều mà không phải quốc gia nào cũng làm được.
Trong chiếc hòm kho báu lấp lánh ánh sáng của những triều đại lịch sử ấy, ta phải kể đến bộ sử ký của Tư Mã Thiên - bộ thông sử đồ sộ theo kiểu bách khoa toàn thư gồm 130 chương trải suốt 3000 năm lịch sử từ thời Hoàng đế đến Hán Vũ Đế, đề cập đến các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, chế độ điển chương, học thuật, văn hoá, y dược, bói toán, hoạt động của các nhân vật thuộc mọi tầng lớp xã hội, thiên văn, địa lý, quan hệ giữa các dân tộc, giao lưu với nước ngoài,...
Bộ Sử ký đã để lại cho đời sau những tư liệu lịch sử hết sức có giá trị, đồng thời cũng là một kiệt tác văn học được Lỗ Tấn ca ngợi là một “tuyệt xướng của sử gia”, một “Ly tao không vần” và được xếp vào hàng những tác phẩm đồ sộ, bất hủ của nhân loại.
Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện được coi như một bảo tàng lịch sử văn hóa với các quần thể di tích lịch sử, số lượng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể lớn nhất thế giới cùng sự bảo tồn còn tương đối nguyên vẹn.
Đó là những di sản thiên nhiên như Khu thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên – Trương Gia Giới được mệnh danh là “Pandora trên trái đất” với “Ngũ tuyệt” bao gồm: Kì phong, Quái thạch, U cốc, Tú thủy và Động đá; như Khu thắng cảnh Cửu Trại Châu cùng những cột đá các-xtơ cao lớn với các dòng thác tung bọt trắng xóa, là nơi cư ngụ của hàng trăm động vật quý hiếm; như Địa mạo Đan Hà được hình thành từ sa thạch đỏ với đặc trưng là các vách đá đỏ thẳng đứng và cột trụ tự nhiên cao chót vót; như Lư Sơn với sự kết hợp hài hòa giữa núi cao, sông lớn và hồ rộng mang đầy đủ dấu tích của kỷ băng hà thứ 4 đã đi vào thơ Lý Bạch tựa “nghi thị ngân hà lạc cửu thiên”.
Đó còn là các công trình, di sản được con người tạo ra mang dấu ấn của lịch sử, của các triều đại từng vàng son và các vùng văn hóa như Vạn Lý Trường Thành; tứ đại cố đô với Tử Cấm Thành, Thiên An Môn, Di Hòa Viên (Bắc Kinh), Tháp Đại Nhạn - Tháp Tiểu Nhạn (Tây An), Tường thành Nam Kinh (Nam Kinh) và Long Môn Thạch Quật, Đền Bạch Mã (Lạc Dương); Cung điện Potala – Tây Tạng; Thành cổ Lệ Giang, Thành cổ Bình Dao hay các quần thể kiến trúc cổ núi Võ Đang, Nga Mi Sơn và Lạc Sơn Đại Phật,...
Đặc biệt, Trung Quốc là đất nước duy nhất trên thế giới từ khi khai sinh đến hiện tại không thay đổi về cách viết, họ vẫn sử dụng chữ tượng hình, từ đó tạo nên một sợi dây kết nối các thế hệ và giai đoạn lịch sử, góp phần phát triển mạch nguồn sức sống của nền văn minh Trung Hoa.
Từ chữ viết tượng hình, Trung Quốc đã phát triển những nghệ thuật độc nhất vô nhị: nghệ thuật viết (thư pháp) và họa (thủy mặc).
Thủy mặc và thư pháp phát triển song hành với nhau, đều xuất phát từ công cụ viết chữ bằng lông thú và sau này gọi là bút lông, viết chữ tượng hình như là chữ Hán. Từ những cách sử dụng bút lông điêu luyện của chữ viết mà những hình tượng do cách chấm phá của chữ viết ở Trung Hoa đã làm cho tranh thủy mặc trở nên kỹ năng, kỹ xảo hơn.
Các chủ đề chính trong tranh thủy mặc thường là cây cối, hoa, phong cảnh, chim thú, người… và thường kèm theo thơ chữ Hán, tạo nên một phong cách nghệ thuật cổ điển của phương Đông - nền nghệ thuật với sự tổng hợp giữa thơ, thư, họa và dấu ấn, là một sự tổng hợp giữa nội dung và ý nghĩa, kiến thức và tâm hồn, làm xao xuyến biết bao thế hệ người mê tranh.
Cuối cùng, quan trọng bậc nhất khi luận bàn đến nền văn minh Trung Hoa không thể không thể không nhắc đến hệ tư tưởng - “tấm hộ chiếu”, “chứng minh thư” tâm lý của đất nước tỷ dân với bề dày trầm tích văn hóa.
Người Hoa thường coi trọng đến sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, đến cách đối nhân xử thế của từng cá nhân và đặc biệt chú trọng đến ý thức tỉnh ngộ của từng con người, do đó trong truyền thống tư tưởng của người Trung Quốc thì “无人合一” tức “Vô nhân hợp nhất” là chủ đề hay được bàn luận nhất.
Có thể nói, Trung Quốc có một hệ thống tư tưởng rất hoàn chỉnh đã được hình thành từ mấy nghìn năm nay và có ảnh hưởng sâu sắc đến người dân của họ, mà nòng cốt của hệ thống tư tưởng này phải kể đến: Khổng Tử, Mạnh Tử (đã sáng lập ra tư tưởng Nho giáo); Lão Tử, Trang Tử (đã sáng lập ra tư tưởng đạo giáo); và tư tưởng Phật giáo. Trong đó, ảnh hưởng đến Trung Quốc nhiều nhất và sâu đậm nhất vẫn là tư tưởng Nho Giáo.
Để bàn về nội hàm bác đại tinh thâm và hàm nghĩa sâu sắc phong phú của hệ tư tưởng Trung Quốc, nhiều người cho rằng đó là một đại dương mà có khi, luận cả đời cũng chưa hết. Dù vậy, ngay cả trong những đề tài nghiên cứu học thuật hay những luận bàn lúc trà dư tửu hậu, nhiều người cũng cho rằng, tại cốt lõi của văn hóa Trung Quốc, Khổng giáo, Phật giáo và Đạo giáo đều biểu thị khái niệm về “Đạo”. Đạo Đức Kinh của Lão Tử, một tuyệt tác văn thư đã bàn đi bàn lại về khái niệm “Đạo”.
Khổng Tử cũng như vậy, tỏ rõ minh bạch ý chí và phẩm hạnh của mình: “Chí vu Đạo, cư vu đức, y vu nhân, du vu nghệ.” (Chí ta ở trong Đạo, lấy đức làm gốc, dựa vào lòng nhân, làm theo khả năng). Hiển nhiên, Đạo là cốt lõi của sự tu dưỡng trong Khổng giáo.
Pháp trong Phật giáo cũng tương tự như Đạo. Thêm vào đó, những cao tăng gọi đó là “đắc Đạo” hay “các cao tăng đắc Đạo”. Người xưa tin rằng Đạo khống chế sinh hóa vận hành của hết thảy vạn vật. Vì vậy, con người muốn làm được việc, nhất định phải tuân theo Đạo Trời.
Xuyên suốt lịch sử văn hóa truyền thống Trung Quốc chính là một chữ “Đạo”. Toàn bộ các tầng diện văn hóa đều được phát triển, diễn dịch xung quanh chữ “Đạo” này.
Trên là trị quốc an dân, dưới là cưới hỏi, ma chay, phong tục tập quán, đều thể hiện sự tôn trọng của con người đối với “Đạo”.
Hệ tư tưởng Trung Quốc với chữ “đạo” cốt lõi ấy đã đi vào các ngóc ngách văn hóa, len lỏi vào đời sống và nghệ thuật rồi biểu hiện qua những hình thái khác nhau: từ ẩm thực, cách ăn uống đến nghệ thuật trong thơ ca nhạc họa, từ gu thưởng thức đến các thú chơi,... rồi được lưu giữ đến ngày nay và được giao lưu với những nền văn hóa lân cận, trong đó có cả Việt Nam.
Truyền thống là vậy, nhưng Trung Quốc cũng rất hiện đại. Người Anh đã có mặt ở Trung Quốc từ rất sớm, mở những cảnh cửa một cách tự nhiên cho làn gió văn hóa phương Tây thổi vào.
Vì vậy, Trung Quốc một mặt phát huy những trầm tích văn hóa rất sâu sắc, một mặt cũng không chối từ những thành tố văn hóa hiện đại của Phương Tây. Bởi lẽ đó, văn hóa Trung Quốc có có một sự cân bằng, hài hòa đặc biệt.
Tác giả: Phương Linh
Tìm hiểu thêm về COREfidence: tại đây
Xem thêm: